Con đường tạo dựng hệ thống SEVEN.am của Diễn viên Hải Anh

Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Hải Anh từng tiết lộ muốn kinh doanh thành công cần sự thấu hiểu và đam mê. Vậy nhưng những thông tin gần đây liên quan đến thương hiệu SEVEN.am lại cho thấy một sự thật khác

 

Mới đây, dư luận đang bất bình trước việc hệ thống thời trang Seven.AM bị nghi ngờ gian lận khi nhập hàng Trung Quốc, dán mác Việt Nam. Những kiện hàng thời trang như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (nhãn hiệu thời trang SEVEN.am), sau đó cắt bỏ toàn bộ tem mác hay bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến nguồn gốc Trung Quốc, thay bằng nhãn hiệu SEVEN.am – made in Vietnam để đưa vào bán tại các showroom.

Trước đó, thương hiệu này được nhiều người biết đến do có Tổng giám đốc là diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh, cái tên quen thuộc trong ngành công nghiệp giải trí Việt. Anh là thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, đặc biệt là mỗi mùa Tết đến Xuân về trong các phim hài miền Bắc.

Chia sẻ về chuyện kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Vũ Hải Anh từng bộc bạch: “Đóng vai ngố thế thôi, chứ trong kinh doanh, tôi cũng là thằng khôn đấy”.

Được biết Nguyễn Vũ Hải Anh từng là cựu học sinh trường chuyên Hà Nội – Amsterdam và có 9 năm học chuyên ngành tiếng Nga. Anh từng du học tại Nga trước khi trở về nước phát triển sự nghiệp riêng.

Khoảng thời gian 2008 – 2009,  trước tác động của khủng hoảng kinh tế, Nguyễn Vũ Hải Anh cũng như bao người, lao đao mất tới cả chục tỷ đồng. Cũng từ thời điểm ấy, Nguyễn Vũ Hải Anh quyết định bắt đầu lại với ngành thời trang. Năm 2009, anh cho ra mắt cửa hàng thời trang SEVEN.am đầu tiên dựa trên toàn bộ số vốn vay mượn từ người thân bạn bè. Khi ấy, vì không có nhiều tiền nên anh đã phải đảm nhận vai trò nhân viên “đa zi năng” từ bảo vệ, dắt xe, đến bê vác đồ.

Nam diễn viên từng tâm sự: “Để mở một doanh nghiệp hay xây dựng lại cơ nghiệp cần phải cần rất nhiều nhân sự, tôi phải thay rất nhiều vai từ ông bảo vệ, tự dắt xe cho khách, rồi bê vác mồ hôi nhễ nhại. Tuy nhiên, những khó khăn áp lực tại thời điểm đó lớn nhất của tôi vẫn là về tinh thần.

Ngày trước mình đi ô tô lên xe xuống ngựa rất oai nhưng đột nhiên mình lại đi xe máy cà tàng, mặt mũi nhem nhuốc, đi ra ngoài thì người nọ người kia chỉ khiến mình cũng ngại”.

Làm lại từ đầu ở tuổi ngoài 30, anh tiết lộ ngày nào cũng làm việc miệt mài 16 tiếng không nghỉ. Sau nhiều năm dày công gây dựng, SEVEN.am dần trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường thời trang công sở nữ. Năm 2011, Hải Anh được tặng bằng khen với thành tích doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ được tin dùng.

Theo thông tin chia sẻ với báo chí năm 2017, Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết đã xây dựng được xưởng may riêng và tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động. Anh xác định kinh doanh thương mại cũng tốt, nhưng rất khó tạo ra sự độc đáo, và có được chỗ đứng vững chắc, nhất là trong ngành thời trang. Chỉ có thiết kế, sản xuất mới có thể thỏa mãn nhu cầu về sự khác biệt này.

“Tôi thích tự mình làm ra những sản phẩm có tính độc đáo, khác biệt, mang dấu ấn cá nhân. Khách hàng có thể chọn mua một sản phẩm vì rẻ, nhưng tôi muốn khách hàng nhớ đến sản phẩm của chúng tôi, vì sự khác biệt, vì dấu ấn không trộn lẫn của thương hiệu SEVEN.am”, doanh nhân Hải Anh bày tỏ quan điểm.

“Ở thời buổi nào cũng vậy, việc kinh doanh không đơn giản như chúng ta nói và làm mà là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm, tài chính và sự đam mê.

Trước tiên, tôi muốn nói rằng không phải cứ có tiền là có thể kinh doanh được mà bạn hãy chỉ làm những việc gì khi bạn thực sự hiểu về nó.

Tiếp đến là sự quyết tâm, tôi làm việc với tất cả niềm đam mê của mình. Và cho tới ngày hôm nay, sau khi đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường cùng một chuỗi cửa hàng nhưng tôi vẫn làm việc tận tâm như những ngày đầu mới hoạt động”.

Vậy nhưng những thông tin gần đây liên quan đến thương hiệu SEVEN.am lại không ăn nhập với những gì vị Tổng giám đốc này nói.

Theo thông tin, nguồn gốc sản phẩm của thương hiệu này nhập từ Trung Quốc nhưng lại bị “cắt gốc, thay mới”. Cụ thể, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA ở tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội). Trước khi xuất đi đến hàng chục showroom khắp cả nước, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào sẽ phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

Chính Nguyễn Vũ Hải Anh cũng xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn. “Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc“, anh Hải Anh xác nhận với báo chí.

Ngày 10/11, trả lời báo chí, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về một số thương hiệu thời trang bị tố giả danh xuất xứ. “Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra và làm rõ về các thông tin phản ánh”, ông Kiên thông tin.
Ông Kiên cho biết, hàng hóa quần áo may mặc hay giày dép ở Việt Nam hầu hết đều được gia công ở nước ngoài: “Kể cả các thương hiệu đồ da nổi tiếng cũng đều được gia công ở nước ngoài hết. Các mặt hàng quần áo của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng tình trạng tương tự. Việc gia công ở nước ngoài là được phép tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác made in Vietnam, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *