Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, thì chỉ trong 5 giờ sẽ có 1.700 vụ nổ hạt nhân, ít nhất 100 triệu người trên thế giới thương vong.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ (ACA) Daryl Kimball ngày 9/11 cho biết, ngày này 40 năm trước đây Bộ chỉ huy hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã xảy ra một sự cố máy tính nghiêm trọng có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba. Mặc dù mọi thứ đã được giải quyết thỏa đáng, nhưng vẫn khiến nhiều người Mỹ lo sợ.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm của vụ tai nạn, và ông Daryl Kimball đã một lần nữa tiết lộ một sự thật đáng sợ. Theo đó, mặc dù Mỹ và Nga đã không mở rộng kho vũ khí hạt nhân từ nhiều thập kỷ trước, nhưng khả năng tự động phóng vũ khí hạt nhân do lỗi hệ thống vẫn còn như năm 1979.
Năm 1979, hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Mỹ gặp phải sự cố, khiến Quân đội Mỹ lầm tưởng rằng Liên Xô tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ, điều này gần như khiến Mỹ tấn công tên lửa đạn đạo tấn công vào lục địa Liên Xô, trực tiếp tạo thành Chiến tranh thế giới thứ ba. Mặc dù cả Mỹ và Nga đều giảm đáng kể trữ lượng vũ khí hạt nhân, nhưng hai bên vẫn có hơn 1.400 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Những đầu đạn hạt nhân này đủ để đẩy nền văn minh của loài người đến bờ vực hủy diệt.
Ông Daryl Kimball chỉ ra rằng, các hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa của Mỹ và Nga hiện nay vẫn còn nguy cơ báo động sai như vậy. Mặc dù công nghệ hiện nay đã hiện đại hơn nhiều so với thời điểm năm 1979, nhưng xác suất gặp sự cố vẫn sẽ không nhỏ hơn trước. Ngoài ra, cả Chính phủ Mỹ và chính phủ Nga đều giữ lại phương án sử dụng vũ khí hạt nhân là lựa chọn đầu tiên trong các cuộc xung đột thông thường, khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân càng trầm trọng hơn so với nhiều thập kỷ trước.
Hiện nay, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran cùng một số quốc gia khác tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của các nước này đang có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mỹ và Nga sở hữu gần 95% kho dự trữ hạt nhân của thế giới nhưng dường như không có ý định gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được ký kết năm 2010, hết hạn hiệu lực vào tháng 2 năm 2021. Đây là hiệp ước giới hạn vũ khí duy nhất hiện nay giữa Nga và Mỹ, trước đó Mỹ cũng đã rút khỏi INF (Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung).
Phía Mỹ mong muốn xây dựng thỏa thuận hạt nhân mới giữa ba bên Nga, Trung Quốc và Mỹ, nhưng Bắc Kinh (ngày 8/11) đã phản bác ý tưởng này và khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ không tham gia cuộc đàm phán của Nga và Mỹ. Còn đối với Iran, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad mới đây cảnh báo, Iran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Mặc dù, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/11 cho biết, Iran chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nguy cơ Iran rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân là hiện hữu.
Trong bối cảnh như trên, chỉ cần một bên sử dụng vũ khí hạt nhân, thì không thể đảm bảo rằng bên kia sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Daryl Kimball, cả Mỹ và Nga đều có hệ thống trả đũa hạt nhân được thiết lập cho các cuộc tấn công hạt nhân và hệ thống này được liên kết trực tiếp với hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa. Ngay cả khi chỉ một bên sử dụng một số ít vũ khí hạt nhân chiến thuật, nó có thể dẫn đến những hậu quả không thể tưởng tượng được. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện nay nếu một cuộc xung đột hạt nhân nổ ra giữa Nga và Mỹ, sẽ kéo theo 1.700 vụ nổ hạt nhân chỉ trong 5 giờ và ít nhất 100 triệu người thương vong.
Năm 1985, nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Gorbachev và nhà lãnh đạo Mỹ Reagan đã đưa ra một nguyên tắc được sử dụng cho đến ngày nay, đó là: “Sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân, và không nước nào được khai chiến”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước cạnh tranh phát triển vũ khí hạt nhân như hiện nay và thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong các cuộc xung đột khu vực, nguyên tắc này đã không còn phù hợp và điều này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ chiến tranh hạt nhân.