Trần Đình Long sinh năm 1961 tại tỉnh Hải Dương. Ông hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Trần Đình Long được coi là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam với khối tài sản ước tính 1,3 tỷ USD (theo Forbes năm 2018). Hãy cùng tìm hiểu về vị doanh nhân thành đạt này.
MỤC LỤC
1. Sơ lược lý lịch Trần Đình Long
2. Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của vị Chủ tịch Hòa Phát
2,1. Khởi nghiệp từ buôn bán đồ cũ
2.2. Trở thành “ông vua” ngành thép
3. Trần Đình Long – Tỷ phú Đô la mới đáng gờm
Sơ lược lý lịch Trần Đình Long
Tên thât : Trần Đình Long
Ngày sinh : 20/02/1961
Nơi sinh : Hải Dương
Nơi ở hiện tại : Hai Bà Trưng, Hà Nội
Trình độ học vấn : Cử nhân Kinh tế – Đại học Kinh tế Quốc dân (1986)
Quá trình công tác :
– Từ năm 1992 – 1996: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát.
– 1996 – 2005: Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát.
– Chức vụ hiện nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của vị Chủ tịch Hòa Phát
Ông Trần Đình Long sinh ngày 20 tháng 2 năm 1961 tại Hải Dương. Xuất thân từ một miền quê nghèo khó, với niềm đam mê toán học và khát khao làm giàu, ông đã bôn ba khắp chốn trong ngoài nước.
Năm 1986, Trần Đình Long tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với bằng Cử nhân Kinh tế. Sau đó đến năm 1992, ông Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về.
Khởi nghiệp từ buôn bán đồ cũ
Năm 1993, ông Trần Đình Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng cũ về buôn bán. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản.
Năm 1994, trong khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận thấy rằng, các doanh nghiệp lúc bấy giờ đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, Trần Đình Long đã quyết định gia nhập thị trường với việc thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore…
Đến năm 1996, công ty thiết bị phụ tùng của ông Long thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền “bôi trơn” mới mua được 5-10 tấn. Nhận thấy rằng việc làm ống thép không khó, để có thể tự cung tự cấp cho công ty, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.
Sau 8 năm kinh doanh nhiều mặt hàng từ đồ cũ, máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, “thép xây dựng” mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.
Trở thành “ông vua” ngành thép
Năm 2017, Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số 1 trên thị trường, khi xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong đó, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm.
Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, với thị phần lần lượt là gần 24% và 26,4%.
Trong hơn 10 năm qua, doanh thu Hòa Phát đã tăng trưởng tới 10 lần. Năm 2007, doanh thu ở mức 5.734 tỷ đồng thì đến năm 2017 con số này đã là gần 47.000 tỷ đồng, lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ đồng.
Sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề khác như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ.
Trần Đình Long – Tỷ phú Đô la mới đáng gờm
Danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes, có sự xuất hiện của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với khối tài sản 1,3 tỷ USD, và là người giàu thứ 1.756 thế giới. Đồng thời, ông Long cũng là tỷ phú USD đứng thứ 4 tại Việt Nam sau doanh nhân Phạm Nhật Vượng (4,3 tỷ USD), CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (3,1 tỷ USD) và ông chủ Thaco Trần Bá Dương (1,8 tỷ USD).
Trước đó, vào năm 2010 ông Long chi mạnh tay cho việc mua sắm chiếc máy bay riêng 6 chỗ với chi phí lên đến gần 5 triệu USD (tương đương 96 tỷ đồng). Và trở thành người thứ hai tại Việt Nam công khai sở hữu máy bay riêng, sau ông Đoàn Nguyên Đức – Hoàng Anh Gia Lai.
Sau đó hơn năm, vị doanh nhân giàu có này lại tiếp tục tậu thêm cho mình chiếc trực thăng 12 chỗ mang mã VN-D668 hiện đại hơn so với cái trước và có khả năng bay xa hơn. Hiện nay, chiếc trực thăng của ông Trần Đình Long đang cho Tập đoàn Hòa Phát thuê với giá một đồng cho 1 năm sử dụng với mục đích công việc. Việc có máy bay riêng sẽ giúp ông và ban lãnh đạo tiết kiệm thời gian di chuyển và có mặt kịp thời để xử lý các công việc phát sinh.
Với 18 năm góp mặt trong ngành thép, Hòa Phát có được thành công vang dội như ngày hôm nay là nhờ đến tài lãnh đạo xuất chúng, kiên định, dứt khoát của ông Trần Đình Long – chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát đồng thời cũng là một vị doanh nhân tài ba, giàu có của Việt Nam cũng như trên thế giới.